Home Chứng khoán Có Nên Đầu Tư Chứng Khoán Hay Không? Cách Đầu Tư Thông Minh Nhất Giữa Thời Covid-19?

Có Nên Đầu Tư Chứng Khoán Hay Không? Cách Đầu Tư Thông Minh Nhất Giữa Thời Covid-19?

0
Có Nên Đầu Tư Chứng Khoán Hay Không? Cách Đầu Tư Thông Minh Nhất Giữa Thời Covid-19?

Bệnh dịch n-CoV đã ảnh hưởng vô cùng rộng lớn không chỉ Việt Nam mà còn tất cả các quốc gia trên thế giới đều lâm vào tình trạng đóng băng nền Kinh Tế. ” Work From Home ” đang là xu thế, có thể kéo dài hơn nếu tình hình dịch bệnh không cải thiện. Đến lúc này, mọi người đã tìm hiểu nhiều hơn về các hình thức kiếm tiền thụ động, cách đầu tư vào một số mảng khác nhau,…

Trong bài viết này, Kienthuctrade.net sẽ phân tích cụ thể một số phương án như: mua Vàng, giữ ngoại hối, đầu tư chứng khoán,… để các bạn có ý định tìm hiểu đầu tư thời đại Covid 19 nắm được thông tin kĩ lưỡng trước khi quyết định đầu tư.

Covid-19 khiến chứng khoán “đỏ lửa”, bất động sản đóng băng, ngay cả vàng – vốn được cho là nơi trú ẩn an toàn cũng bị bán tháo. Vậy đâu là kênh thích hợp nhất cho nhà đầu tư lúc này?

1. Tiền mặt hoặc gửi tiết kiệm

Những nhà đầu tư sành sỏi đều cho rằng “tiền mặt là vua” trong thời điểm suy thoái nhưng để tiền mặt trong nhà là một phương án tồi. Do đó, gửi tiết kiệm là lựa chọn phải có trong danh mục của nhà đầu tư giai đoạn này, đặc biệt là người không am hiểu tài chính.

Song nhà đầu tư có thể tham khảo các kênh khác để có những lựa chọn phù hợp hơn và thực hiện triệt để phương pháp “không bỏ trứng một rổ”.

2. Vàng

Giám đốc đầu tư Công ty liên doanh quản lý Quỹ đầu tư chứng khoán Vietcombank VCBF Nguyễn Thị Hằng Nga cho rằng vàng là tài sản trú ấn và có tính thanh khoản cao khi kinh tế bất ổn.

Nhưng giá vàng hoàn toàn phụ thuộc vào cung cầu nên rất khó để xác định “giá trị thực” nên khá rủi ro với nhà đầu tư chọn sai thời điểm mua vào.

Còn ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam, nói rằng vàng đã có xu hướng tăng giá từ năm 2018 chứ không phải đến Covid-19 mới bùng phát. Kim loại quý này có một tuần bán tháo do tâm lý hoảng loạn nhưng ông tin giá sẽ tiếp tục tăng trong dài hạn.

Thực tế dòng tiền lớn từ các ngân hàng trung ương và các định chế tài chính trên thế giới vẫn đổ vào vàng, theo ông Khánh. Khi Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực, các chính phủ bơm tiền và dùng các chính sách nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế.

Thậm chí nhiều Chính phủ sẽ phát tiền, chi phiếu cho mỗi người dân. Nhưng mặt trái của những động thái này là tổng nợ chính phủ và nợ hộ gia đình trên thế giới ngày càng phình to, dẫn đến các ngân hàng phải mua vàng vào để cân đối.

 

“Theo khảo sát của Hội đồng vàng, đại đa số ngân hàng trung ương cho biết trong 5 năm tới họ không có kế hoạch bán vàng. Chỉ cần họ không bán ra đã là yếu tố ủng hộ cho giá rồi”, ông nói.

Ngoài ra, nhà đầu tư tốt nhất nên đầu tư vàng dài hạn trên 1 năm và tránh lướt sóng do giá thế giới và trong nước chênh lệch rất lớn khi thị trường biến động mạnh. Hơn nữa, vàng có tính thanh khoản không thua kém tiền mặt.

Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cũng đồng quan điểm khi cho rằng loại trừ hai thị trường đang biến động quá mạnh là chứng khoán và bất động sản, nhà đầu tư có thể tính đến việc gửi tiết kiệm, vàng hay USD.

Ông Nguyễn Trí Hiếu nhận định, vàng là kênh đầu tư có khả năng sinh lời trong nửa năm tới. Trong bối cảnh kinh tế bất ổn và cuộc khủng hoảng “vô tiền khoáng hậu” vì Covid-19, tài sản trú ấn là vàng sẽ càng được ưa chuộng, đặc biệt với tâm lý người dân Việt Nam.

3. USD

Ông Phan Dũng Khánh nhận định, chỉ số USD đã có xu hướng tăng giá chục năm trở lại đây và cao gấp đôi so với 2020.  Ông cho rằng không nên kỳ vọng hưởng lợi nhiều từ việc cầm USD so với gửi tiết kiệm bằng tiền đồng.

Về căn bản, gửi tiết kiệm ngân hàng hưởng lãi suất hay cầm USD hoặc đồng tiền mạnh như yen (Nhật) hay franc (Thuỵ Sỹ) trong ngắn và trung hạn (dưới 2 năm) có mức sinh lời và an toàn tương đương.

Bà Hằng Nga, Giám đốc đầu tư của VCBF cũng cho rằng về dài hạn, sau khi dịch bệnh bùng phát và ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ, nợ chính phủ tăng lên rất mạnh và chính phủ Mỹ sẽ phải in thêm tiền khiến đồng USD mất giá. “Đầu tư vào USD không phải là ý tưởng hay để sinh lời tốt, tuy nhiên khá an toàn”, bà nói.

Với những biến động từ dịch bệnh, nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng và rất khó tránh việc tiền đồng bị mất giá so với USD. Tuy nhiên, khả năng tiền đồng mất giá mạnh là rất khó xảy ra vì dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đang dồi dào, lạm phát được kiểm soát khá tốt.

Nhìn chung, USD có tính thanh khoản, an toàn và giá USD chưa lên quá cao nên nếu nhà đầu tư “muốn có tâm lý an tâm” có thể phân bổ tiền vào USD.

4. Chứng khoán

Cho dù châu Á hốt hoảng, châu Âu lạnh lùng, Tổng thống Trump viết trên Twitter ngày 11.3: “Trong năm ngoái, 37.000 người Mỹ chết vì cúm. Còn tính hằng năm, trung bình mỗi năm có từ 27.000 đến 70.000 người chết vì cúm.
Chẳng có nơi nào bị đóng cửa, cuộc sống và nền kinh tế vẫn diễn ra. Hiện tại có 546 trường hợp lây nhiễm cúm corona và 22 ca tử vong. Hãy nghĩ về điều đó”. Hay thông điệp chấn động của nữ Thủ tướng Đức: “2/3 dân số Đức (khoảng 55 triệu người) có thể nhiễm bệnh”.
Dù gì đi nữa thì giữa mùa bán tháo cổ phiếu vì dịch bệnh, thì các nhà đầu tư thông minh, nhìn xa trông rộng sẽ thấy được nhiều cơ hội đầu tư giữa loạn lạc thương trường.

Chứng khoán toàn cầu lao dốc là cơ hội để bắt đầu bỏ tiền vào cổ phiếu để sở hữu một danh mục giá rẻ theo nhận định của Giám đốc đầu tư của VCBF. “Những người tài sản phần lớn là tiết kiệm có thể bắt đầu phân bổ vào cổ phiếu, đầu tư dần dần 1-2 năm và hưởng lợi khi giá quay đầu tăng trưởng trở lại”, bà nói.

Không ai đoán được đâu là đáy thị trường nhưng nhìn chung vẫn đang trong xu hướng tiêu cực và theo bà Hằng, nhà đầu tư có thể tăng dần số tiền đầu tư theo từng đợt. Giả sử trường hợp xấu nhất, thị trường tiếp tục đi xuống trong 1-2 năm nữa, nhà đầu tư phân bổ đều đặn hàng tuần hay hàng tháng vào cổ phiếu sẽ xây dựng được danh mục tài sản rất rẻ.

Trong những điều kiện khó khăn, bà cho rằng nhà đầu tư nên lựa chọn những công ty lớn, dẫn đầu để sống sót qua khủng hoảng, hoặc công ty nhỏ có dòng tiền tốt, cổ tức tốt bù đắp lại cho mức giảm thị giá trước mắt và hồi phục nhanh sau khủng hoảng.

Theo quan điểm của Giám đốc đầu tư VCBF, đây là cơ hội dành cho nhà đầu tư muốn xây dựng danh mục giá rẻ và sẵn sàng bỏ tiền dài hạn từ 5-10 năm.

Nhìn theo hướng tích cực, nhiều chuyên gia kinh tế lại cho rằng, thị trường chứng khoán trong bối cảnh hiện nay lại mở ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư dài hạn. PGS.TS Phạm Văn Hùng – Trưởng Khoa Đầu tư, Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định, với các nhà đầu tư dài hạn, thị trường chứng khoán hiện nay là cơ hội tốt khi giá CP đã giảm mạnh, xoay quanh giá trị thực.

Do đó, nhà đầu tư có thể xem xét giải ngân tỷ trọng nhỏ (20 – 30% giá trị danh mục đầu tư dài hạn) khi thị trường về sát vùng hỗ trợ 700 điểm.

Theo PGS.TS Phạm Văn Hùng, nhà đầu tư nên ưu tiên đầu tư vào các doanh nghiệp thuộc các ngành ít bị tác động của dịch Covid-19 như ngành công nghệ, tiêu dùng thiết yếu, phân bón, các nhóm ngành xuất khẩu mà Việt Nam tự chủ được nguồn cung nguyên liệu và được kỳ vọng phục hồi mạnh khi dịch Covid-19 qua đi như ngành thủy sản.

Cùng chung quan điểm trên, ông Phan Tấn Nhật – Trưởng nhóm Phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho rằng, nhà đầu tư không nên quá sợ hãi, bán tháo mà cần chọn lọc các cơ hội đầu tư dưới giá trị cho tầm nhìn dài hạn vài năm khi rất nhiều cơ hội đầu tư dưới giá trị đã và đang xuất hiện.

Theo chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hữu Bình, trên thế giới, nhiều nhà đầu tư gạo cội như Warrent Buffett hay Jim Rogers đều tận dụng các nhịp giảm mạnh của thị trường để mua vào. Tất nhiên, không ít doanh nghiệp bị tác động bởi dịch có thể không thể phục hồi. Do đó, nhà đầu tư cần tập trung lựa chọn cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính và thị phần lớn.

Các doanh nghiệp này sẽ có đủ tiềm lực để sống cùng dịch và khi dịch qua đi, họ mới chính là những doanh nghiệp có cơ cơ hội bán hàng mạnh mẽ nhất và phát triển nhất.

Ông Huỳnh Minh Tuấn – Giám đốc Môi giới CTCP Chứng khoán Mirae Asset khuyến nghị, việc cần làm hiện tại của nhà đầu tư là rà soát lại danh mục và chiến lược hiện tại, nếu ở mức đòn bẩy quá cao cần điều chỉnh, chi tiết hơn nên xem danh mục có thuộc những nhóm ngành ảnh hưởng nghiêm trọng và trực tiếp hay không; rà soát lại nguồn lực để có thể bổ sung vốn bình quân hoặc thay đổi chiến lược từ ngắn hạn sang dài hạn để chờ đợi sự phục hồi tổng thể của vĩ mô và ngành.

Dựa trên lịch sử các đợt dịch bệnh và phản ứng của thị trường chứng khoán, Ông Tuấn cho biết thêm, thường sau mỗi đợt dịch, thị trường luôn phục hồi cao hơn nhờ sự gia tăng sản xuất, các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ để phục hồi trạng thái bình thường của nền kinh tế, bên cạnh đó là các dịch vụ và sản phẩm sáng tạo thích nghi ra đời… Ông Tuấn tin tưởng: “Sau cơn mưa trời lại sáng”.

Dự báo về thị trường chứng khoán trong thời gian tới, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, cho rằng nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt thì trong thời gian ngắn tới, thị trường chứng khoán toàn cầu và thị trường chứng khoán Việt Nam cũng sẽ hồi phục trở lại.

Trước những ảnh hưởng bất lợi từ dịch bệnh Covid-19 đối với thị trường chứng khoán, mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 14/2020/TT-BTC ngày 18/3/2020 sửa đổi Thông tư số 127/2018/TT-BTC ngày 27/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), trong đó có quy định việc giảm giá 15 loại dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán và được áp dụng kể từ ngày 19/3 – 31/8/2020.

Để tạo hiệu ứng lan tỏa cho thị trường, Thông tư 14/2020/TT-BTC cũng quy định các tổ chức cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán (công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại) trên cơ sở mức giảm giá dịch vụ tại sở giao dịch chứng khoán và VSD, thực hiện ngay việc giảm giá dịch vụ tương ứng tại đơn vị mình để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, phù hợp với thực tế cung ứng dịch vụ, quy định của pháp luật về giá và pháp luật có liên quan.

Việc điều chỉnh giá dịch vụ chứng khoán là một trong các giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường. Cùng với nỗ lực quyết tâm của Nhà nước, sự hợp sức, đoàn kết của người dân trong việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và nội lực của Việt Nam, các chuyên gia đều kỳ vọng nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng sẽ ổn định tăng trưởng khả quan trở lại.

Thông qua bài viết phân tích chi tiết trên, bạn đọc đã có cái nhìn tổng quan về các cách đầu tư trong thời kì dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện tại. Bạn cũng đã có thể tự trả lời câu hỏi NÊN hay KHÔNG NÊN đầu tư chứng khoán vào thời điểm hiện tại.

Hi vọng bài viết trên cung cấp những thông tin hữu ích, giúp bạn đọc đưa ra được những quyết định chính xác. Theo dõi trang thường xuyên để cập nhật những tin tức mới nhất về sự biến động thị trường chứng khoán.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here