Home Chứng khoán Cổ phiếu phòng thủ – lựa chọn tốt nhất cho nhà đầu tư khi thị trường giảm sút

Cổ phiếu phòng thủ – lựa chọn tốt nhất cho nhà đầu tư khi thị trường giảm sút

0
Cổ phiếu phòng thủ – lựa chọn tốt nhất cho nhà đầu tư khi thị trường giảm sút

Nhà đầu tư không thể kiểm soát chu kỳ của nền kinh tế, tuy nhiên họ có thể điều chỉnh các hoạt động đầu tư theo xu hướng và dòng chảy của thị trường. Việc điều chỉnh để phù hợp với sự chuyển đổi của nền kinh tế đòi hỏi vốn hiểu biết sâu rộng về đặc trưng của mỗi ngành công nghiệp và mối quan hệ của chúng với nền kinh tế.

Trong bối cảnh thị trường giảm sút, việc lựa chọn những cổ phiếu có khả năng chống trọi cao và duy trì mức tăng trưởng ổn định là điều vô cùng quan trọng. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về những cổ phiếu vượt trội hơn so với thị trường khi tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế chậm lại, hay còn được gọi là cổ phiếu phòng thủ. 

1. Cổ phiếu phòng thủ là gì?

Các cổ phiếu không theo chu kỳ hay cổ phiếu phòng thủ là loại cổ phiếu vượt trội hơn so với thị trường khi tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại. Chứng khoán phòng thủ thường có lợi nhuận bất chấp những biến động của nền kinh tế vì chúng sản xuất hoặc phân phối những loại hàng hóa và dịch vụ mà chúng ta luôn cần, bao gồm những thứ như thực phẩm, điện, nước và gas.

Thực tế, cổ phiếu của các công ty sản xuất các hàng hóa và dịch vụ này được gọi là cổ phiếu phòng thủ vì chúng được “bảo vệ” trước mọi tác động của suy thoái kinh tế. Ví dụ, các mặt hàng tiêu dùng như kem đánh răng, xà phòng, dầu gội và nước rửa bát đĩa thực sự không thể thiếu trong mỗi gia đình.

Đầu tư vào cổ phiếu phòng thủ là cách tốt nhất để các nhà đầu tư tránh thua lỗ. Bằng cách cung cấp các dịch vụ thiết yếu được mọi người sử dụng liên tục, các công ty tiện ích phát triển một cách bền vững và không bị ảnh hưởng bởi biến động của nền kinh tế. Tuy nhiên, cũng chính bởi sự an toàn này mà cổ phiếu phòng thủ không thể tăng vọt lên khi nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ như những loại cổ phiếu khác.

Cổ phiếu phòng thủ có beta thấp, ít dao động. Khi thị trường tăng trưởng 10%, có thể cổ phiếu này chỉ tăng 5%. Khi thị trường giảm 10%, những cổ phiếu này giảm đi ít hơn, hoặc cũng có thể tăng lên.

2. Các loại cổ phiếu phòng thủ phổ biến nhất

Như đã nói, cổ phiếu phòng thủ là những sản phẩm, hàng hóa thiết yếu mà người tiêu dùng khó có khả năng cắt giảm như ngành dược, chăm sóc sức khỏe, thực phẩm, hàng tiêu dùng, tiện ích, dịch vụ công.

Những nhóm ngành này, dù kinh tế khủng hoảng, suy thoái hay như thế nào đi nữa, thì con người vẫn phải có những nhu cầu thiết yếu, các tiện ích trong cuộc sống hằng ngày. Theo đó, những cổ phiếu này không chỉ vẫn duy trì được kết quả kinh doanh giúp cổ phiếu giữ giá trị ổn định, mà còn trở thành điểm đến thu hút dòng tiền.

Dưới đây là 3 nhóm ngành cổ phiếu phòng thủ phổ biến nhất:

  1. Cổ phiếu các công ty sản xuất và phân phối điện, khí đốt và nước
  2. Cổ phiếu thuộc ngành hàng tiêu dùng thiết yếu
  3. Cổ phiếu công ty y tế

3. Vai trò của cổ phiếu phòng thủ trong danh mục đầu tư

Các nhà giao dịch chứng khoán đang tìm cách bảo vệ danh mục đầu tư của họ trong thời kỳ nền kinh tế suy yếu hoặc thời kỳ biến động cao có thể xem xét đầu tư vào cổ phiếu phòng thủ.

Cổ phiếu của các công ty được thành lập lâu đời và vận hành tốt như Procter & Gamble, Johnson & Johnson, Philip Morris International và Coca-Cola được coi là cổ phiếu phòng thủ. Ngoài dòng tiền mạnh, các công ty này còn hoạt động mạnh mẽ trên thị trường và có khả năng vượt qua thời kì kinh tế suy thoái.

Cổ phiếu phòng thủ giúp giảm bớt nỗi lo của nhà đầu tư vì chúng không gặp nhiều rủi ro như các cổ phiếu thông thường, phù hợp với những nhà đầu tư không ưa thích mạo hiểm.

4. Ví dụ về cổ phiếu phòng thủ

Walmart Inc.

Một lựa chọn tốt cho danh mục đầu tư của bạn khi thị trường bất ổn là các công ty bán và cung cấp dịch vụ thiết yếu cho cuộc sống thường ngày.

Đại gia bán lẻ Walmart Inc. (NYSE:WMT) vô cùng phù hợp với tiêu chí đó. Khi suy thoái, bạn có thể cắt giảm chi tiêu cho những thứ xa xỉ, nhưng vẫn khó thể bỏ đi chi tiêu cho sinh hoạt thường ngày.

Brookfield Infrastructure Partners

Brookfield Infrastructure Partners LP (NYSE:BIP) có trụ sở tại Toronto cũng là một cổ phiếu có lãi suất cao và có sự ổn định khi thị trường bất ổn. BIP sở hữu và hoạt động trong ngành tiện ích, vận tải, năng lượng và hạ tầng viễn thông trên toàn cầu cùng khối tài sản trị giá 30 tỷ USD ở 5 lục địa.

 

Thị trường cổ phiếu phòng thủ tại Việt Nam

Sau giai đoạn hồi phục theo hình chữ V, VN-Index giảm 8,4% từ ngày 11 – 30/6, nhưng nhóm cổ phiếu phòng thủ không giảm giá, mà có diễn biến đi ngang.
Thị trường biến động khó lường
Phiên giao dịch kết thúc tháng 6/2020, chỉ số VN-Index và VN30 lần lượt giảm 8,4% và 8,2% so với giá đóng cửa ngày 10/6. So với mức điểm ngày 1/4, thời điểm thị trường bắt đầu hồi phục sau khi lao dốc trong tháng 3 do bị tác động bởi đại dịch Covid-19, VN-Index cuối tháng 6 cao hơn 21,3% và VN30 cao hơn 22,5%.
Trong đợt điều chỉnh vừa qua, tâm lý bên mua trở nên thận trọng, trong khi bên bán có động thái chốt lời, khiến đa số cổ phiếu trụ cũng bị bán ra mạnh. Đặc biệt, dòng tiền có sự suy yếu khá rõ so với giai đoạn trước.

 

Mặc dù vậy, thị trường khởi đầu tháng 7 lại tăng điểm mạnh, VN-Index tăng 2,2%, đạt 843,5 điểm, VN30 tăng 2,1%, đạt 786,8 điểm.

Ghi nhận ý kiến từ một số chuyên gia và nhà đầu tư, đa số cho rằng, trong xu hướng tăng hay giảm luôn có những phiên biến động ngược chiều gây bất ngờ, nhưng là diễn biến bình thường đối với các nhà đầu tư kỳ cựu.

 

Thị trường có thể tăng do lực mua theo phân tích kỹ thuật ngắn hạn, hoặc lực mua của các nhà đầu tư mới, vốn lỡ nhịp trước đó, nhưng cũng có thể là động thái kích thị trường nhằm tiếp tục hiện thực hóa lợi nhuận của các nhà đầu tư lớn còn hàng giá thấp. Đợt điều chỉnh nhiều khả năng chưa kết thúc.

Đáng lưu ý, mùa công bố báo cáo tài chính quý II/2020 chuẩn bị bắt đầu, cao điểm từ 20 – 31/7, nhóm doanh nghiệp tiêu thụ nội địa được kỳ vọng hồi phục hoạt động kinh doanh, trong khi các doanh nghiệp hàng không, du lịch, xuất khẩu chưa cho thấy dấu hiệu được cải thiện.

Chính vì sự khó lường trong mùa báo cáo quý II cùng với diễn biến dịch bệnh Covid-19 trên thế giới vẫn phức tạp, nhà đầu tư nên thận trọng trong các quyết định giải ngân.

Chiến lược phòng thủ thường được các nhà đầu tư giàu kinh nghiệm sử dụng trong hoàn cảnh không chắc chắn bao gồm: thứ nhất, giảm tỷ lệ cổ phiếu thị trường, cổ phiếu tăng nóng, giảm tỷ lệ giao dịch ký quỹ (margin) và gia tăng lượng tiền mặt tại tài khoản; thứ hai, chọn thêm cổ phiếu phòng thủ thay thế cho cổ phiếu thị trường, ít biến động so với chu kỳ và nhận được dòng tiền ổn định như cổ tức, doanh nghiệp có báo cáo kết quả kinh doanh nhìn chung khả quan trong thời gian dài.

Kinh tế toàn cầu vẫn đang có nhiều khó khăn, thách thức do chịu tác động bởi đại dịch Covid-19, nên việc thị trường chứng khoán hồi phục theo hình chữ V nhưng nền kinh tế chưa được như vậy, sự tách rời giữa thị trường chứng khoán và nền kinh tế kéo dài sẽ tạo nên rủi ro cho nhà đầu tư.

Đặc biệt, các dấu hiệu thị trường phân phối đỉnh như thanh khoản tăng đột biến sau giai đoạn tăng nóng, thị trường tạo thói quen bắt đáy cho nhà đầu tư khi biên độ dao động lớn nhưng điểm số cuối phiên ít thay đổi, nhiều công ty đăng ký mua cổ phiếu quỹ (bổ sung dòng tiền mới cho thị trường) nhưng thực tế không mua hoặc mua ít, nhà đầu tư mua cổ phiếu trong 2 tuần trở lại đây hầu như không có lợi nhuận…, cho thấy thị trường đang bước vào giai đoạn khó khăn hơn, việc ưu tiên bảo vệ tài khoản nên đặt trên việc tìm kiếm lợi nhuận.

“Trong thời điểm này, nhà đầu tư nên giảm tỷ lệ cổ phiếu, hoặc tiếp tục mua bán nhưng dịch chuyển vào nhóm cổ phiếu phòng thủ”, một chuyên gia khuyến nghị.

Hai nhóm cổ phiếu phòng thủ phổ biến

Khi giới đầu tư chứng khoán bắt đầu lo ngại rủi ro, họ sẽ dần chuyển dịch khẩu vị đầu tư sang nhóm cổ phiếu phòng thủ, hoạt động kinh doanh trong ngành thiết yếu.

Hai nhóm cổ phiếu phòng thủ được nhắc đến nhiều trên thị trường là sản xuất điện và cấp nước. Trong hai tuần qua, chỉ số chứng khoán giảm trên 8%, nhưng giá cổ phiếu nhóm này không giảm theo thị trường chung, mà chủ yếu đi ngang.

Trong lĩnh vực cấp nước, Công ty cổ phần Nước Thủ Dầu Một (TDM) có dòng tiền hoạt động kinh doanh chính liên tục được cải thiện trong những năm gần đây.
Cụ thể, năm 2016, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính là 67,5 tỷ đồng, năm 2017 là 142,9 tỷ đồng, năm 2018 là 160,8 tỷ đồng và năm 2019 là 172,8 tỷ đồng. Trong báo cáo quý I/2020, doanh nghiệp cho biết, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính dương 87,6 tỷ đồng.

Tương tự, Công ty cổ phần Nước – Môi trường Bình Dương (BWE) được giới đầu tư biết đến với hoạt động kinh doanh ổn định, cung cấp nước sạch và xử lý rác thải ở Bình Dương.

Nhờ hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thiết yếu và lộ trình tăng giá nước mỗi năm 5%, kết quả kinh doanh của BWE có xu hướng tăng.

Doanh thu trong năm 2018 và 2019 là 2.197,5 tỷ đồng và 2.545,7 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 22,4% và 15,8%. Lợi nhuận năm 2018 và 2019 là 325 tỷ đồng và 476 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 57,4% và 46,5%. Trong quý I/2020, doanh thu và lợi nhuận của BWE đạt 733 tỷ đồng và 131,7 tỷ đồng, lần lượt tăng 49,2% và 26,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong các năm qua, BWE và TDM liên tục chi tiền đầu tư hệ thống, xây dựng nhà máy, tăng đầu tư vào tài sản cố định. Tuy nhiên, kể từ năm 2019, dòng tiền đầu tư giảm, trong khi dòng tiền hoạt động kinh doanh tăng.

Chi phí xây dựng nhà máy, đường ống dẫn nước lớn, nhưng khi vận hành ổn định sẽ tạo dòng tiền đều cho doanh nghiệp. Giới đầu tư kỳ vọng, sau khi ổn định hệ thống, giảm đầu tư, nhóm doanh nghiệp này sẽ tăng tỷ lệ chi trả cổ tức.

Trong lĩnh vực sản xuất điện, Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (PPC) hoạt động trong lĩnh vực nhiệt điện than, mặc dù những nhà máy hiện hữu có dấu hiệu bão hoà, nhưng doanh nghiệp đang lên kế hoạch đầu tư dự án Nhiệt điện Phả Lại 3 với công suất 660 MW, tổng mức đầu tư sơ bộ dự án ước tính 20.709 tỷ đồng.

Hiện tại, PPC sở hữu 2 nhà máy với công suất thiết kế 1.040 MW, các nhà máy đã đi qua điểm khấu hao và đang vận hành, tuy nhiên tuổi thọ lâu đời hơn so với các nhà máy nhiệt điện khác.

Động lực tăng trưởng của PPC đến từ hai công ty đang đầu tư là Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng (HND) và Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP), tỷ lệ sở hữu lần lượt là 25,97% và 16,35%.

Công suất nhà máy của HND là 1.200 MW, QTP là 1.200 MW và PPC là 1.040 MW. HND và QTP mới đi vào vận hành nên nhà đầu tư kỳ vọng dòng tiền sẽ tiếp tục gia tăng, từ đó giúp PPC gia tăng lợi tức từ đầu tư.

Ngoài ra, PPC duy trì chính sách cổ tức tiền mặt hấp dẫn: năm 2016 chia 20%, năm 2017 chia 25%, năm 2018 chia 27%, năm 2019 chia 25% và dự kiến năm 2020 là 20%.

Trên đây là những kiến thức cơ bản bạn cần biết về cổ phiếu phòng thủ. Trong thời kì nền kinh tế đang bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi sự bùng nổ của Coronavirus như hiện nay, cổ phiếu phòng thủ là nơi trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư. Quyết định nằm ở bạn, chúc bạn thành công.

Theo dõi website của chúng tôi thường xuyên để cập nhật những bài học hữu ích nhất về kiến thức chứng khoán cũng như thông tin mới nhất nhé !

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here