Home Chứng khoán chiến lược đầu tư tuần 11.01.2021 – 15.01.2021 – Góc nhìn chuyên gia (Triển vọng ngành ngân hàng 2021), phân tích kỹ thuật các nhóm cổ phiếu

chiến lược đầu tư tuần 11.01.2021 – 15.01.2021 – Góc nhìn chuyên gia (Triển vọng ngành ngân hàng 2021), phân tích kỹ thuật các nhóm cổ phiếu

0
chiến lược đầu tư tuần 11.01.2021 – 15.01.2021 – Góc nhìn chuyên gia (Triển vọng ngành ngân hàng 2021), phân tích kỹ thuật các nhóm cổ phiếu

VN Index ghi nhận tuần đầu năm mới 2021 đầy hứng khởi và đây đã là tuần tăng điểm thứ 10 liên tiếp. Chỉ số vừa chinh phục được mốc 1.150 điểm khi, đồng thời cũng giữ vững trên mốc 1,100 điểm dù trải qua một số nhịp “rung lắc” mạnh trong phiên. Cụ thể, lực cầu gia tăng nhanh chóng ngay từ phiên thứ hai đầu tuần (04/01) đã khiến VN Index dễ dàng vượt mốc 1.120 điểm.

Tuy nhiên, áp lực bán chốt lời gia tăng trở lại trong phiên thứ ba và thứ tư (05 – 06/01) đã khiến chỉ số đã có những thời điểm đánh mất sắc xanh và quay trở về quanh mức tham chiếu của phiên giao dịch.

Mặc dù vậy, dòng tiền vẫn liên tục chảy mạnh mẽ vào thị trường trong nửa cuối phiên chiều đã có tác động tích cực nâng đỡ chỉ số khiến chỉ số liên tục đi lên với hai phiên tăng điểm mạnh trong ngày năm và thứ sáu (07 – 08/01) cuối tuần, đồng thời kết thúc tuần vượt lên trên mốc 1,160 điểm một cách dứt khoát.

Thanh khoản tuần này gia tăng mạnh so với tuần trước cả về giá trị và khối lượng, nhưng chủ yếu do thị trường nghỉ giao dịch ngày thứ sáu cuối tuần trước (01/01/2021). Đóng cửa tuần giao dịch, VN Index đạt mức 1,167.69 điểm (+5.78%), trong khi HNX Index dừng lại tại 217.40 điểm (+7.03%).

Tâm lý của nhà đầu tư nhìn chung đang ở trạng thái khá hưng phấn trong bổi cảnh chỉ số VN Index đã vượt mốc 1,100 điểm và vẫn đang mạnh mẽ tiến tới vùng đỉnh lịch sử quanh 1.200 điểm, thể hiện qua khối lượng giao dịch khớp lệnh trong phiên vẫn liên tục gia tăng qua từng phiên so với giai đoạn cuối năm 2020.

Tuy nhiên, việc những chỉ báo kỹ thuật đang dần đi vào vùng quá mua có thể sẽ khiến cho áp lực chốt lời ngắn hạn trên thị trường gia tăng trong những phiên tới và phần nào khiến cho đà tăng giảm nhiệt trong tuần sau.

Chúng tôi cho rằng nhà đầu tư ngắn hạn có thể cân nhắc chốt lời một phần các cổ phiếu đã đạt được lợi nhuận kỳ vọng để bảo toàn thành quả, đồng thời chuyển sang nắm giữ các cổ phiếu vốn hóa trung bình chưa tăng mạnh trong tuần vừa rồi.

Trong khi đó, nhà đầu tư dài hạn vẫn có thể nắm giữ danh mục hiện tại và thậm chí có thể tận dụng các nhịp điều chỉnh giảm trong phiên để tiếp tục gia tăng tích lũy các cổ phiếu mục tiêu có tiềm năng tăng trưởng tốt và nền tảng tài chính lành mạnh trong năm 2021.

TRIỂN VỌNG NGÀNH NGÂN HÀNG 2021

  • Điểm nhấn năm 2020:

Tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2020 chậm hơn so với các năm trước với lý do chính đến từ nhu cầu tín dụng thấp hơn của nhóm khách hàng cá nhân. Tuy nhiên, với dấu hiệu tăng trưởng trở lại lạc quan của nhu cầu tín dụng bán lẻ, VCBS kỳ vọng tốc độ tăng trưởng tín dụng có sự cải thiện trong năm 2021 ở mức tương đương 12%.

Lãi suất huy động giảm giúp cho chi phí vốn của các ngân hàng giảm mạnh trong khi lãi suất cho vay đầu ra giảm với tốc độ chậm hơn khiến cho biên lãi ròng NIM tăng lên trong Q3.2020.

Nhiều ngân hàng không ghi nhận sự gia tăng của dư nợ tái cơ cấu trong Q3.2020. Bên cạnh đó, lợi suất ghi nhận trên danh mục cho vay có sự phân hóa và hồi phục mạnh ở  nhóm ngân hàng có chất lượng tài sản tốt.

Nguyên nhân chính đến từ việc một phần khách hàng tái cơ cấu theo Thông tư 01 đã có dòng tiền và thực hiện trả lãi trở lại sau khi được giãn thời hạn trả lãi ở thời điểm Q2.2020.

  • Dự báo năm 2021:

Với việc áp lực lên lãi suất cho vay từ phía các cơ quan điều hành duy trì, VCBS kỳ vọng biên lãi ròng NIM của ngành ngân hàng duy trì tương đương năm 2020 trong năm 2021. Như vậy các ngân hàng sẽ ghi nhận mức thu nhập lãi thuần tăng trưởng.

Nhóm ngân hàng tư nhân có tốc độ tăng trưởng thu nhập lãi cao hơn do có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn.

Các ngân hàng sẽ phải chịu áp lực gia tăng của nợ xấu khi thông tư 01 hết hiệu lực. Tuy nhiên, với dấu hiệu hồi phục của dư nợ tái cơ cấu, nợ xấu gia tăng đến từ nhóm khách hàng này dự kiến ở mức 0,5 – 1% tổng dư nợ và sẽ có mức độ phân hóa mạnh giữa các ngân hàng tùy thuộc vào chất lượng tài sản.

Bên cạnh đó, các ngân hàng đã thực hiện trích lập mạnh mẽ trong năm 2020 cho các khoản nợ xấu có thể phát sinh trong tương lai sẽ ít phải chịu áp lực tăng trích lập trong năm 2021.

Ngành ngân hàng đã trải qua một giai đoạn kéo dài gần 10 năm tích cực tái cơ cấu giúp cải thiện chất lượng tài sản. Bên cạnh đó, sức khỏe của nền kinh tế duy trì khả quan và hiệu quả trong quản trị ở các ngân hàng cũng đã tốt hơn rất nhiều so với trước đây.

Chúng tôi cho rằng đây là yếu tố cốt lõi giúp cho các ngân hàng có triển vọng tốt trong dài hạn. VCBS dự báo lợi nhuận của hệ thống ngân hàng tiếp tục tăng trưởng trong năm 2021.

Theo VCBS.