Home Chứng khoán Yếu tố QUAN TRỌNG của ban lãnh đạo trong lựa chọn doanh nghiệp đầu tư chứng khoán

Yếu tố QUAN TRỌNG của ban lãnh đạo trong lựa chọn doanh nghiệp đầu tư chứng khoán

0
Yếu tố QUAN TRỌNG của ban lãnh đạo trong lựa chọn doanh nghiệp đầu tư chứng khoán
Business people in office sitting by the table,talking about their problems,some of them using laptops and mobile pshones

Theo bạn yếu tố ban lãnh đạo có quan trọng trong việc đánh giá một doanh nghiệp khi đầu tư?

Hiển nhiên là CÓ!

Không chỉ tôi cho là vậy, đến cả nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett cũng đã từng nhắc đến trong bức thư gửi cho cổ đông, rằng yếu tố đạo đức và năng lực của ban quản lý là một nhân tố quan trọng không thể không nhắc đến trong những tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thực tế có rất nhiều trường hợp nhà đầu tư cá nhân vì tin tưởng hoàn toàn mù quáng vào ban lãnh đạo dẫn đến thua lỗ nặng nề.

Vậy yếu tố ban lãnh đạo có thật sự quan trọng?

Qua bài viết này, bạn sẽ có được những cái nhìn cụ thể về:

  • Các tiêu chí đánh giá năng lực ban lãnh đạo đúng đắn nhất nhà đầu tư cần biết
  • Những sai lầm cơ bản của nhà đầu tư cá nhân khi đánh giá ban lãnh đạo và cách để tránh mắc phải

Trước hết, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu những khái niệm cơ bản về ban lãnh đạo.

1. Ban lãnh đạo là ai?

Hiểu một cách đơn giản, ban lãnh đạo là những người đứng đầu một doanh nghiệp, là những người đưa ra những quyết định cuối cùng trong các hoạt động của doanh nghiệp.

Mục đích của ban lãnh đạo là đảm bảo quản lý hoạt động vì lợi ích tốt nhất cho các cổ đông.

Vì vậy, ban lãnh đạo cần có những kỹ năng quản lý cần thiết để duy trì hoạt động của doanh nghiệp, dẫn dắt doanh nghiệp đi đúng hướng.

Ban lãnh đạo giỏi sẽ giúp công ty không chỉ tạo ra sản phẩm tốt mà còn nắm bắt được những cơ hội đầu tư, ngược lại ban lãnh đạo yếu kém có thể vừa làm mất đi cơ hội đầu tư hấp dẫn, vừa khiến doanh nghiệp thất bại trên thị trường.

Vậy làm thế nào để các nhà đầu tư có thể đánh giá ban lãnh đạo đúng cách?

2. Các tiêu chí đánh giá nhân tố ban lãnh đạo

Để đánh giá ban lãnh đạo một cách chuẩn xác, bạn nên tập trung vào 2 yếu tố chủ chốt đó là năng lực và đạo đức của họ.

Trong thời đại số hiện nay, không quá khó để tìm thấy những thành tích đã có của một ban lãnh đạo. Có những người đã nổi tiếng trước đó nhờ gây dựng công ty từ hai bàn tay trắng. Hoặc cũng có những người củng cố danh tiếng dần dần và kiếm được nhiều tiền,…

Để đánh giá rõ hơn, bạn cũng có thể nhìn vào kết quả kinh doanh của công ty và các quyết định của ban lãnh đạo dẫn đến kết quả đó.

Tuy nhiên chỉ nhìn vào kết quả ở hiện tại thôi thì chưa đủ. Ở mỗi giai đoạn phát triển của doanh nghiệp, tốc độ tăng trưởng hoàn toàn khác nhau. Nên nếu đánh giá phải nhìn tổng thể, bao quát cả kết quả trong quá khứ và tầm nhìn tương lai.

Nhưng nếu muốn biết được chính xác trình độ quản lý của ban lãnh đạo, tốt nhất là hãy hẹn gặp trực tiếp nhiều lần, qua các cuộc họp, các buổi gặp mặt cổ đông. Thậm chí nếu cần hãy hẹn gặp tại văn phòng riêng để tìm hiểu kỹ hơn.

Bạn có thể tham khảo cách nhìn nhận, đánh giá ban lãnh đạo của một nhà đầu tư thành công khác – Paul Meeks – một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ.

Paul Meeks từng là giám đốc đầu tư của Merrill Lynch những năm 1998-2002, hiện tại ông đang là Giám đốc đầu tư của Công ty Tài chính Sloy, Dahl & Holst. Ông cũng là một nhà bình luận tài chính nổi tiếng, xuất hiện trên kênh truyền hình và các website đầu tư…

Theo Paul, yếu tố con người là quan trọng nhất ông cần xem xét ở mỗi công ty. Khi nhìn vào ban lãnh đạo, ông đánh giá tập trung vào những yếu tố sau đây:

Có chính kiến, quyết đoán nhưng linh hoạt

Yêu cầu đầu tiên đối với một nhà lãnh đạo đó là có chính kiến và quyết đoán, kiên định trong mọi việc.

Điều này giúp các nhà lãnh đạo tự tin ra quyết định để giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và đạt được những thành công nhất định.

Tuy nhiên, không chỉ kiên định, sự linh hoạt cũng rất cần thiết. Thị trường luôn luôn biến động và giới kinh doanh cũng không ngừng thay đổi, vì thế phải có sự linh hoạt để cân bằng và đối phó với những tình huống ngoài dự tính.

Để đưa ra một ví dụ chính xác nhất, có thể kể đến Warren Buffett với việc nhất quyết tránh xa cổ phiếu công nghệ trong nhiều năm liền.

Theo Buffett, môi trường công nghệ thay đổi quá nhanh, mặc dù có thể đem đến cơ hội nhưng lại không chắc chắn. Vì vậy ông kiên quyết không tham gia vào những thương vụ đầu tư này.

Nhưng, thời gian gần đây, khi chứng kiến sự tác động của công nghệ đối với thế giới, với những đế chế công nghệ hàng tỉ đô, Buffett đã thay đổi góc nhìn.

Ông đã linh hoạt thay đổi suy nghĩ khắt khe với cổ phiếu công nghệ. Đến nay, Buffett đã sở hữu cổ phiếu của cả Apple và IBM.

Có tầm nhìn chiến lược

Một người lãnh đạo tốt rất cần có tầm nhìn chiến lược, tức là nhìn thấy tiềm năng và cơ hội quan trọng mà ít người ngờ tới.

Với việc có tầm nhìn chiến lược, nhà lãnh đạo có thể giúp hoạt động của doanh nghiệp tăng trưởng thuận lợi thậm chí là vượt trội.

Chắc hẳn các bạn cũng biết Jeff Bezos, nhà sáng lập và cũng là Giám đốc điều hành của Amazon, hiện nằm trong top 3 những người giàu có nhất thế giới.

Ở thời điểm mà internet còn chưa phát triển, ông đã nhìn thấy được tiềm năng tương lai của internet, từ đó bắt đầu tạo ra một đế chế. Với Amazon của ngày nay, nếu bạn mua cổ phiếu năm 1997 với 5.000USD, thì đến bây giờ bạn đã có hơn 2 triệu USD .

Có một điểm cần nhấn mạnh đó là người lãnh đạo chỉ có tầm nhìn thôi là chưa đủ. Quan trọng là cách mà họ hành động sau khi nhìn thấy tầm nhìn đó.

Tầm nhìn thì ai cũng có thể có, nhưng vấn đề là họ có triển khai được một kế hoạch cụ thể để phát triển cơ hội mà họ thấy được hay không.

Nhìn lại Jeff Bezos, bạn có biết trước khi thành công như ngày nay, Bezos đã phải bắt đầu từ việc bán sách, chọn lọc và phát triển những mặt hàng phù hợp…? Không phải tự nhiên mà Amazon lại trở thành một đế chế hùng mạnh bậc nhất như hiện tại.

Có kỹ năng tạo dựng mạng lưới

Một lãnh đạo có tố chất không phải là một người tạo ra một đội ngũ với những người chỉ làm theo những gì mình bảo. Người lãnh đạo giỏi cần tìm cho mình một đội ngũ cố vấn có năng lực và mạng lưới những người có thể hỗ trợ mình bất cứ khi nào.

Quay lại với những câu chuyện của Warren Buffett, hẳn ai cũng biết Buffett tài giỏi thế nào. Nhưng chắc bạn chưa biết đằng sau những thương vụ bạc tỉ của Buffett, có những con người hỗ trợ thầm lặng và góp sức rất nhiều cho những thành công của ông.

Có thể kể đến một trong những cánh tay phải đắc lực nhất của Buffett – Charlie Munger – người đã cùng Buffett gây dựng nên đế chế Berkshire Hathaway. Không có vấn đề nào mà hai người không bàn bạc với nhau, trong bất cứ việc gì của công ty.

Tuy nhiên cũng có lần, Buffett không bàn bạc gì với Charlie mà tự thỏa thuận mua Công ty Energy Future Holdings với giá 2 tỉ USD. Khoản đầu tư này khiến Buffett lỗ một khoản tiên khổng lồ – hơn 900 triệu USD.

Vậy mới thấy vai trò của người cố vấn quan trọng như thế nào.

Bên cạnh những tiêu chí đánh giá được đưa ra bởi Paul Meeks, hãy tiếp tục xem xét ban lãnh đạo của doanh nghiệp mình muốn tìm hiểu và thử trả lời các câu hỏi sau đây:

  • Ban lãnh đạo có chính trực không?
  • Ban lãnh đạo có công bằng với cổ đông không?
  • Ban lãnh đạo có làm việc vì lợi ích của cổ đông không?
  • Ban lãnh đạo có tham lam không?

Câu trả lời cho những câu hỏi trên rất quan trọng trong việc đánh giá một ban lãnh đạo tốt.

Trên thực tế có rất nhiều trường hợp không chỉ vì khả năng lãnh đạo yếu kém, mà còn vì vấn đề đạo đức của ban lãnh đạo mà dẫn đến sự suy vong của một doanh nghiệp.

Có những trường hợp công ty đang hoạt động rất hiệu quả, bỗng suy yếu dần do ban lãnh đạo lập thêm công ty rồi chuyển dần giá trị công ty sang công ty riêng bằng các hợp đồng làm ăn, các thủ thuật tài chính.

Cũng có những ban lãnh đạo ngoài mặt thì đứng ra kêu gọi cổ đông mua cổ phiếu với những hứa hẹn cam kết tăng giá cổ phiếu, nhưng đằng sau lại bán cổ phiếu ra, kéo giá cổ phiếu giảm sâu. Dù họ có bị phạt hành chính bởi việc này thì cũng chẳng đáng là bao so với lợi nhuận từ hành vi bẩn này đem lại.

Để biết được ban lãnh đạo có những ý đồ sai trái hay không quả thực không dễ, nhưng không phải là không có cách để biết.

Hãy tiếp tục theo dõi ở phần tiếp theo để tìm ra cách nhìn thấu tâm can của ban lãnh đạo.

3. Những sai lầm của nhà đầu tư cá nhân khi đánh giá ban lãnh đạo

Nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt là những người mới chưa có nhiều kinh nghiệm trong lựa chọn doanh nghiệp để đầu tư, thường rất dễ mắc sai lầm khi đánh giá ban lãnh đạo.

Trong thực tế, đâu là lý do khiến các nhà đầu tư dễ mắc sai lầm?

Tin vào khả năng nhìn người “theo cảm tính” của mình

Có nhiều nhà đầu tư, thậm chí là cả những quỹ đầu tư có kinh nghiệm, hoàn toàn tin tưởng vào khả năng nhìn người của mình.

Nhưng chỉ với những lần tiếp xúc ít ỏi với những cuộc họp được sắp xếp trước, họ khó có thể đánh giá chính xác được ban lãnh đạo.

Mặc dù bên ngoài người lãnh đạo thể hiện những mặt tích cực, nhưng khó có thể đoán được bên trong họ đang có những kế hoạch mờ ám gì.

Tuy rằng những ban lãnh đạo có ý định lừa đảo nhà đầu tư không có quá nhiều, nhưng chỉ một lần gặp phải cũng có thể khiến nhà đầu tư phải khốn đốn.

Ngoài ra, có những trường hợp nhà đầu tư đánh giá ban lãnh đạo bằng cảm tính, họ bỏ qua một cơ hội đầu tư tốt chỉ vì không thích một điểm gì đó ở ban lãnh đạo, ví dụ như chưa hài lòng trong cách tiếp đãi mình, hoặc chỉ đơn giản là nhìn mặt khó ưa,…

Thiếu kinh nghiệm nhìn người

Thực tế là các nhà đầu tư cá nhân hiện nay hầu hết là có chưa đầy 5 năm kinh nghiệm trên thị trường. Vì vậy họ rất dễ bị các nguồn thông tin khác nhau chi phối.

Cũng bởi vậy mà việc đánh giá chuẩn xác ý đồ của ban lãnh đạo quả thực không hề dễ dàng.

Các nhà đầu tư sẽ khó có thể tránh được việc ban lãnh đạo có tư lợi cá nhân và tuồn lợi nhuận của cổ đông ra bên ngoài.

Gần đây các nhà quản trị cũng bắt đầu quan tâm hơn đến việc “kiểm soát” giá cổ phiếu trên thị trường, vì vậy những buổi họp mặt nhà đầu tư rất có khả năng sẽ đi kèm với một mục đích nào đó mà các nhà đầu tư cần cảnh giác.

Bỏ qua câu hỏi quan trọng về giá cả và biên an toàn

Đây là sai lầm thường gặp nhất của nhà đầu tư cá nhân. Họ hoàn toàn tin vào những lời đừng mật của ban lãnh đạo, những lời hứa hẹn giúp đẩy giá cổ phiếu lên mà không quan tâm đến các yếu tố khác.

Chính vì chủ quan, họ chỉ nghe theo lời ban lãnh đạo và xuống tiền mua mà không cân đo kỹ lưỡng về biên an toàn, rủi ro và mô hình kinh doanh của công ty.

Hiển nhiên, với sự cả tin mù quáng như vậy, nhà đầu tư sẽ phải chịu hậu quả tất yếu từ thị trường chứng khoán.

4. Vậy nhà đầu tư nên làm gì để tránh mắc phải những sai lầm khi đánh giá ban lãnh đạo?

Với kinh nghiệm và sự tổng hợp, chắt lọc từ các bài học của những nhà đầu tư thành công khác, chúng tôi sẽ đưa ra những điểm cần lưu ý như sau:

Tập trung vào mô hình kinh doanh

Bên cạnh đánh giá ban lãnh đạo, hãy xem xét đến các yếu tố quan trọng xung quanh.

Warren Buffett từng nói: “Khi một nhà lãnh đạo với danh tiếng xuất sắc đụng phải danh tiếng xấu về một mô hình kinh doanh bất lợi, danh tiếng của mô hình kinh doanh sẽ là thứ tồn tại ở lại.”

Bởi vậy các nhà đầu tư không nên chỉ tập trung vào ban lãnh đạo mà hãy mở rộng phạm vi tìm hiểu. Hãy đánh giá thật kỹ các triển vọng ngành, lợi thế cạnh tranh, những kết quả đáng kể trong quá khứ và biên an toàn,…

Nhờ những yếu tố này, nhà đầu tư có thể giảm thiểu đến 80% rủi ro so với việc đánh giá mình ban lãnh đạo.

Vì khi có những con số cụ thể, ta sẽ bớt bị lý trí chi phối hơn, thay vì chỉ đánh giá qua những cuộc nói chuyện sơ sài.

Đọc tài liệu và so sánh

Như tôi đã nói ở trên, không thể chỉ nhìn mặt và nói chuyện xuông là có thể đánh giá được ban lãnh đạo.

Hãy tìm những tài liệu liên quan để có thể nhìn rõ hơn, ví dụ như những tài liệu cho thấy kinh nghiệm và lịch sử sinh lời ban lãnh đạo đã mang đến cho cổ đông trong thời gian qua.

Có thể học tập Buffett, ngoài những tài liệu trên, ông còn xem xét cả mức thu nhập mà ban lãnh đạo trả cho mình tương quan với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo ông, nếu các khoản ESOP quá lớn mà lợi nhuận cho cổ đông lại thụt lùi, hẳn là ban lãnh đạo này đang có vấn đề.

Ngoài ra, hãy xét đến cả các yếu tố như lượng cổ phần mà ban lãnh đạo đang nắm giữ. Nhìn vào đây có thể xem được sự đồng nhất lợi ích với cổ đông, nhờ đó biết được thực sự ban lãnh đạo có thực sự muốn mang lại lợi ích cho cổ đông hay không.

Cũng đừng quên kiểm tra lại các báo cáo thường niên và so sánh với những gì ban lãnh đạo đã thực hiện, để xem họ có thực hiện đúng như những lời đã hứa hay không.

Đừng quên đặt câu hỏi

Tâm lý người Việt chúng ta thường dễ mắc phải một vấn đề đó là ngại đặt câu hỏi. Đây là một điểm rất đáng tiếc và nếu thay đổi được sẽ rất có lợi trong việc đánh giá ban lãnh đạo.

Theo Phillip A. Fisher, đặt câu hỏi là một trong những cách tốt nhất để có thể nhìn rõ ý đồ của ban lãnh đạo, nhờ đó có thể nhìn được thái độ và đạo đức của họ.

Hãy đặt những câu hỏi thông minh để biết được ban lãnh đạo có quyết tâm tăng trưởng doanh thu hay không; ban lãnh đạo có sẵn sàng nghe ý kiến đề xuất của nhân viên hay không;…

Từ đó có thể thấy được ý chí của ban lãnh đạo, đồng thời biết được họ có phải thuộc dạng quản lý “độc tài” không. Thật khó có thể tin tưởng vào một nhà lãnh đạo bảo thủ trong thời đại ngày nay khi mà thị trường liên tục biến đổi.

Việc đặt câu hỏi cũng giúp các nhà đầu tư nhận biết được nhà lãnh đạo đang che giấu những thông tin bất lợi cho công ty hay minh bạch nói ra để tìm cách giải quyết.

Ngoài ra, hãy dùng phương pháp “lời đồn đại” để phát hiện các lãnh đạo có các hành vi sai trái như tuồn tiền của cổ đông ra ngoài bằng cách bán tài sản hay lạm dụng quyền chọn ESOP không.

5. Câu chuyện thực tế – ban lãnh đạo của MWG

Theo một nghiên cứu gần đây của chúng tôi, cách đây không lâu MWG đã đưa ra các quyết định phát hành mua cổ phiếu ESOP, quyền chọn mua cổ phiếu và mua cổ phiếu quỹ.

Các quyết định này thực chất thể hiện một chút “tư lợi” của ban lãnh đạo.

Mặc dù ban lãnh đạo MWG lý giải việc phát hành ESOP và quyền chọn mua cổ phiếu này là khuyến khích nhân viên làm việc để đảm bảo tăng trưởng, nhưng có thể thấy rõ là ban lãnh đạo đang tập trung quan tâm vào giá cổ phiếu.

Đơn giản bởi ban lãnh đạo sẽ mua được nhiều hơn và nhận được nhiều lợi ích hơn nếu giá cổ phiếu tăng nhiều.

Tuy rằng quyết định này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến kết quả kinh doanh, nhưng chỉ với chút suy nghĩ vì mục đích cá nhân này cũng sẽ khiến các nhà đầu tư có một cái nhìn bớt tích cực hơn đối với ban lãnh đạo.

Thậm chí nếu suy nghĩ tiêu cực hơn, sẽ có những người cảm thấy thiếu sự tin tưởng và nghi ngờ liệu ban lãnh đạo có thực sự sẽ hành động vì lợi ích của cổ đông hay không.

Đánh giá ban lãnh đạo là một trong những bước đầu tiên để quyết định xem công ty đó có đáng để xuống tiền hay không. Tuy nhiên như tôi đã nói, chỉ xem xét mình ban lãnh đạo thôi thì chưa đủ. Cần nhấn mạnh lại một lần nữa đó là đừng tin tưởng vào ban lãnh đạo một cách mù quáng mà bỏ qua các yếu tố quan trọng khác. Hãy nhìn nhận ban lãnh đạo một cách khách quan và có cơ sở. Bạn phải là người làm chủ được quyết định của mình, chứ không phải bất cứ ai khác. Chúc các bạn lựa chọn đầu tư thành công.

Theo dõi website của chúng tôi thường xuyên để cập nhật những bài học hữu ích nhất về kiến thức chứng khoán cũng như thông tin mới nhất nhé!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here